Camera giám sát giao thông: Kết nối để mang lại hiệu quả đồng bộ
Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” từ năm 2021 đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2021; nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Việc làm này tuy không phải mới nhưng làm thế nào để kết nối hệ thống camera đồng bộ để mang lại hiệu quả và tránh lãng phí.
Có thể khẳng định việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trong quản lý điều hành giao thông, đảm bảo an ninh trật tự là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sơ pháp lý, lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn quốc.
Lắp camera giám sát: Kết nối để mang lại hiệu quả đồng bộ
Việc Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” là sự quan tâm, đầu tư rất lớn của nhà nước trong điều kiện phát triển của công nghệ 4.0, khẳng định tính cần thiết của việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hành chính nhà nước.
Bối cảnh dịch COVID-19 không chỉ đòi hỏi phát triển nền kinh tế số mà còn hướng đến sử dụng công cụ trong quản lý và đời sống thông qua công nghệ. Điều này các quốc gia trên thế giới đã thành công.
Lợi ích của sử dụng camera giám sát giúp cơ quan, ban ngành, đặc biệt là ngành giao thông giảm nguồn nhân lực; tăng tính năng quản lý, giám sát; tiết kiệm chi phí; đồng thời còn thể hiện tính văn minh, hiện đại; công khai và minh bạch.
Điều đáng mừng, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng xử lý vi phạm bằng hệ thống camera bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều vi phạm giao thông như chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định, đi sai phần đường… xảy ra nhiều tháng trước đó đều được phát hiện và xử lý khi thực hiện đăng kiểm phương tiện hoặc thông qua các trạm thu phí đường bộ.
Tuy ban đầu nhiều tài xế còn bỡ ngỡ nhưng qua bằng những chứng cứ rõ ràng cũng tâm phục, sẵn sàng đóng phạt. Qua đó đã góp phần nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông.
Như vậy, hệ thống camera không dừng lại là công cụ giám sát mà trở thành một định chế pháp luật vô hình, làm cho mọi người luôn phải nâng cao ý thức, tự nhắc chở bản thân để không mắc các lỗi vi phạm.
Song, điều mọi người lo lắng về tính hiệu quả khi áp dụng hệ thống camera giám sát trong thực tiễn là có căn cứ. Bởi cho cùng, camera giám sát vẫn là máy móc, thiết bị do con người điều khiển hợp lý và hiệu quả nhất.
Lại nói, tình trạng hệ thống camera của ngành Công an, GTVT, các địa phương, tổ chức và cá nhân chưa có tính kết nối với nhau, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến lãng phí nguồn đầu tư, chồng chéo trong việc giám sát và quản lý.
Thực tế, việc một tuyến đường, tuyến phố có nhiều camera lắp đặt nhưng khi xảy ra sự vụ, sự cố lại khó tìm được chủ nhân của camera để truy xuất hình ảnh làm bằng chứng điều tra.
Đã đến lúc xây dựng đô thị thông minh, hướng tới quản lý thông minh cần có những quy định, liên kết chặt chẽ cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành, nhằm tạo thuận lợi trong việc chia sẽ dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả; tránh một “rừng” camera nhưng không rõ tính năng sử dụng.
Một yêu cầu nữa là tính tương thích của hệ thống camera nói riêng và các công nghệ nói chung trong quản lý nhà nước cần đồng bộ; không nên vừa đầu tư xong đã lạc hậu, không tương thích với hệ thống hiện hữu.
Rõ ràng, việc xây dựng camera giám sát là công cụ hết sức cần thiết cho ngành giao thông, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông trong xử lý vi phạm giao thông; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Vấn đề lúc này, các cấp các ngành, đặc biệt ngành Công an phải nhìn nhận điểm hạn chế để khắc phục, từ đó phát huy hiệu quả lâu dài của dự án, xứng với giá trị, kỳ vọng đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng./.